Wednesday, April 13, 2016
English (United Kingdom)
   
Text Size

Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật

Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương được thành lập theo quyết định số 2585/QĐ-BNN-TCCB, ngày 27 tháng 9 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trung tâm được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm và một số chương trình bảo tồn động, thực vật hoang dã tại Vườn.

 

1.Vị trí: Trụ sở của Trung tâm được đặt tại khuôn viên trụ sở Vườn quốc gia Cúc Phương - Nho Quan - Ninh Bình.

 

2. Chức năng, nhiệm vụ: Cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động thực vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam; nghiên cứu tập tính, sinh lý, sinh sản trong nuôi nhốt các loài động vật hoang dã quý hiếm phục vụ công tác bảo tồn và phát triển; sưu tập, gây trồng bảo tồn nguồn gen và tạo giống các loài thực vật quý hiếm của Việt Nam.

 

I. Bảo tồn các loài thực vật

Vườn quốc gia Cúc Phương đã xây dựng một Vườn thực vật với diện tích 167 ha. Đến nay đã trồng và sưu tập được 811 loài cây quý hiếm phục vụ lưu giữ và bảo tồn nguồn gen. Trong đó có 210 loài cây gỗ Cúc Phương, 85 loài cây gỗ ở các vùng khác của Việt Nam, 5 loài nhập nội, 25 loài cây thuộc họ ráy của Cúc Phương, 20 loài cây ăn quả, 15 loài tre trúc, 17 loài Tuế, 15 loài cau dừa, 296 loài cây thuốc và 140 loài lan. Hiện nhiều loài cây sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều loài đã ra hoa, quả. Vườn Thực vật Cúc Phương là một trong ba vườn thực vật đầu tiên của Việt Nam được ghi trong Danh lục vườn thực vật quốc tế. Đây là cơ sở cung cấp giống cho các chương trình trồng cây rừng bản địa của Việt Nam.

 

II. Bảo tồn các loài động vật hoang dã

 

1. Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm:

Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm đang cứu hộ và nuôi dưỡng trên 150 cá thể của 15 loài và phân loài sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó có 6 loài linh trưởng chỉ được chăm sóc tại đây mà không nơi nào trên thế giới nuôi nhốt với mục đích bảo tồn, đó là: Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri), Voọc Hà Tĩnh (Trachypithecus laotum hatinhensis), Voọc đen tuyền (Trachypithecus laotum ebenus), Voọc Lào (Trachypithecus laotum laotum), Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus), và Voọc Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea).

Có 9 loài Thú linh trưởng đã cho sinh sản thành công, trong đó có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt ở trên thế giới đó là: Voọc Mông trắng, Voọc Hà Tĩnh, Voọc Chà vá chân xám (Nadler 1996).

 

Tải danh sách các loài Thú linh trưởng quý hiếm

 

2. Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê:

Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê hoạt động nhằm góp phần bảo tồn quần thể thú ăn thịt và tê tê hoang dã bị đe dọa ở Việt Nam.

Chương trình tập trung triển khai một số nội dung cơ bản sau:

Cứu hộ những cá thể thú ăn thịt nhỏ và Tê tê từ việc buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Cải thiện kỹ năng bảo tồn cho kiểm lâm và sinh viên.
Điều tra thực địa nhằm tìm hiểu về sự phân bố và sinh thái đối với hai nhóm loài này tại những khu bảo tồn trọng điểm của Việt Nam.

 

Tải danh sách các loài Thú ăn thịt và Tê tê

 

3. Chương trình bảo tồn rùa:

Chương trình đang chăm sóc hơn 600 cá thể của 19 loài trên tổng số 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam. Đã cho sinh sản thành công 15 loài trong điều kiện nuôi nhốt, đã tiến hành thả hàng trăm cá thể rùa sau khi được cứu hộ và chăm sóc sức khỏe trở lại vùng phân bố của chúng trong tự nhiên.

Kết hợp với Chương trình bảo tồn rùa Châu Á (ATP), Trung tâm giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV), hàng năm Chương trình tiến hành tổ chức những khóa tập huấn về lĩnh vực bảo tồn rùa cho các Chi cục kiểm lâm và kỹ năng nghiên cứu thực địa cho sinh viên các trường đại học trên cả nước. Hàng năm, Chương trình đón tiếp, hướng dẫn hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan khu trưng bày, diễn giải về các loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam.


Tải danh sách các loài Rùa cạn và Rùa nước ngọt

 

 III - Sản phẩm nghiên cứu

1. Động vật:

Trung tâm đang nghiên cứu, thuần dưỡng và gây nuôi sinh sản hàng ngàn cá thể của một sô loài động vật có giá trị kinh tế cao. Toàn bộ số động vật này đều có nguồn gốc từ các vụ buôn bán trái phép hoặc được sinh ra trong quá trình nghiên cứu. Đáng chú ý trong số đó có một số loài đã sinh sản rất thành công như Gà rừng (Gallus gallus); Chim công Ấn Độ (Pavo cristatatus); Hươu sao (Cervus nippon) và Nai (Cervus unicolor).

Từ kết quả trên, Trung tâm có thể cung ứng cho thị trường khoảng trên 1500 cá thể Gà rừng (từ 1 – 2 tháng tuổi trở lên); 150 cá thể Chim công Ấn Độ (trên 1 năm tuổi); khoảng 10kg nhung của loài Hươu sao (thu hoạch vào tháng 2 – 3 dương lịch) và khoảng 2,5kg nhung của loài Nai (thu hoạch vào tháng 5 – 6 dương lịch). Ngoài ra, Trung tâm cũng có khả năng tư vẫn kỹ thuật chăn nuôi và trao đổi con giống với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên cả nước.

 

Tải danh sách các sản phẩm động vật sau nghiên cứu

2. Thực vật:

Trung tâm đã xây dụng một Vườn gieo ươm cây giống với diện tích 2ha. Trong đó có 1.700m2 bể cứng, nhà gieo hạt giống và giâm hom có diện tích 600m2 có khả năng sản xuất tới 95.000 cây/năm. Đến thời điểm hiện tại, có trên 150 loài cây bản địa của Cúc Phương và trên 50 loài cây có nguồn gốc từ các vùng miền khác của Việt Nam. Ngoài ra, Trung tâm cũng sử dụng 10ha để trồng và chăm sóc trên 5.000 cây có chiều cao vút ngọn từ 1-7m để đáp ứng nhu cầu trồng các loài cây có kích thước lớn nhằm cung cấp nguồn cây giống có giá trị kinh tế, bóng mát và cảnh quan cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

 

Tải danh sách các loài cây giống

 

LIÊN HỆ

Mọi thông tin về Trung tâm vui lòng liên hệ:

  1.  Ông: Lê Phương Triều - Giám đốc Trung tâm

Số di động: 0914 849 248

Email:

 

  2.  Ông: Hoàng Xuân Thủy - Phó giám đốc Trung tâm, Bác sỹ thú y, Phụ trách Tổ nghiên cứu thuần dưỡng động vật

Số di động: 0915 635 615

Email:

 

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counter This month 28347
mod_vvisit_counter Last month 64103
mod_vvisit_counter All days 1850539

Copyrights ® 2011 by CUCPHUONG NATIONAL PARK.
Designed by GlobalLink Software Solutions.